Chiều 28/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh, ông Kim Ngọc Thái, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh tham dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, năm 2017 nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 51.000 tỷ đồng, để nhằm hướng tới mục tiêu chung là cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Qua đó, đến cuối năm 2017, cả nước có 3.070 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với năm 2016. Trong năm, cả nước có khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi liên kết được thực hiện ở nhiều địa phương.
Đặc biệt, năm 2017 nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 6,72%, giảm 1,5% so với năm 2016 và bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%, giảm bình quân 5%/ năm.
Đối với tỉnh Trà Vinh, năm 2017, tỉnh đã bố trí vốn thực hiện các chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 1.750.461 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 589.149 triệu đồng; ngân sách địa phương 305.835 triệu đồng; Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 381.985 triệu đồng; Vốn vận động của UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể 210.561 triệu đồng; Vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ 256.229 triệu đồng và vốn huy động khác (dân đóng góp) 6.702 triệu đồng. Do vậy, các chỉ tiêu về giảm nghèo tỉnh đã thực hiện đạt, vượt so với Nghị quyết đề ra.
Đối với xây dựng xã văn hóa – nông thôn mới, năm 2017, tổng nguồn lực huy động là 672.783 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 132.910 triệu đồng, nguồn vốn địa phương 94.000 triệu đồng, nguồn vốn lồng ghép 312.600 triệu đồng, nguồn vốn tín dụng 56.893 triệu đồng, nguồn vốn doanh nghiệp 15.267 triệu đồng và nguồn vốn dân đóng góp 61/113 triệu đồng… Từ đó, chỉ tiêu về xã, ấp-khóm văn hóa-nông thôn mới năm 2017 đều đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giao.
Tại Hội nghị, các địa phương đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị về các chương trình lồng ghép nguồn lực để triển khai thực hiện, kinh nghiệm đặc thù của từng địa phương, nhân rộng điển hình ở các địa phương thực hiện tốt, đổi mới phương thức thực hiện cơ chế chính sách, tránh sự trông chờ ỷ lại của người dân và xây dựng chính sách cho vay có điều kiện.
Mục tiêu đề ra năm 2018, cả nước phấn đấu thực hiện đạt 3.500 xã chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10 đơn vị so năm 2017 và tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1-1,5%/năm, các huyện nghèo giảm 4%/năm.
Nhằm thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng các tiêu chí, định mức, phương thức thực hiện, cơ chế tài chính, làm cơ sở để các địa phương tổ chức thực hiện; Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, gắn với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều; Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình kết quả thực hiện ở các cấp địa phương, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, tăng tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện; Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, có chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số; Khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo; Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân lao động sáng tạo để giảm nghèo và vươn lên làm giàu; Đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, nhân rộng các mô hình xoá đói giảm nghèo phát triển bền vững.
Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia là góp phần phát triển kinh tế, xã hội toàn diện – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
TN-TT – [http://travinh.gov.vn]