Từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Trà Vinh với xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đời sống và thu nhập của bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh cho Chương trình còn hạn chế. Nhưng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình đạt một số kết nổi bật trong lĩnh vực khoa học công nghệ như: (1) Triển khai thực hiện 97 đề tài/dự án với tổng kinh phí thực hiện khoảng 121 tỷ đồng. Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sản xuất và kinh doanh, khai thác các thế mạnh của tỉnh. Chọn giống cây trồng, vật nuôi phục vụ phát triển kinh tế nông hộ trên địa bàn tỉnh; (2) Triển khai thực hiện 02 dự án xây dựng bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ và dự án bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh”. Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký bảo hộ; (3) Hỗ trợ 17 tổ chức doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 202 tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Để thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: (1) Tổ chức thực hiện đổi mới có chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát huy giải pháp vai trò của chính quyền, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; (2) Phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững. Xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ quản trị nông thôn, xã hội hóa công nghệ thông tin trong quản lý cộng đồng, kết nối xã, ấp, hợp tác xã, đáp ứng tốt hơn dịch vụ công trong cộng đồng dân cư nông thôn; (3) Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế – xã hội. Mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, vật liệu mới, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái. Mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại nông, lâm, thủy sản và quản trị nông thôn. Mô hình ấp sinh thái, ấp thông minh đáp ứng an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Mô hình khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, phát triển kinh tế rừng, trồng và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Mô hình xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn. Mô hình xã hội hóa, mô hình hợp tác trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình hạ tầng nông thôn và bảo vệ môi trường; (4) Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Phát hành các sách, tài liệu, ấn phẩm về các quy trình, công nghệ đã chuyển giao, mô hình tổ chức, quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới để phổ biến, nhân rộng kết quả của kế hoạch.
Tin, ảnh: Mỹ Hương
Thành viên VPĐP