Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tình hình trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, an toàn giao thông của cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người dân được nâng lên, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của quần chúng nhân dân, xem đây là nghĩa vụ của mỗi người dân, nhiều mô hình được triển khai đạt kết quả nổi bật, nhiều tuyến đường nông thôn được người dân thường xuyên tham gia giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trồng cây xanh, hoa kiểng, cảnh quan môi trường được cải thiện, rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý đúng quy định, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo được theo dõi và xử lý, không có trường hợp phát sinh mới, giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh và bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra và có xu hướng gia tăng ở cả khu vực đô thị và nông thôn; công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, xả rác thải gây ô nhiễm, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa bảo đảm khoảng cách và vệ sinh môi trường; tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa, đỗ xe lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn diễn ra ở một số khu vực chợ, khu đông dân cư. Những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do chủ quan là chính, trọng tâm là cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, nhất là tại cơ sở; vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao
Ảnh: Ra quân phát quang bụi rậm ấp Trường Bắn, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang.
Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Trà Vinh theo định hướng đô thị văn minh, nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Ngày 19/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ thị số 27-CT/TU gồm 9 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; (2) Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trong thực hiện mô hình “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; (3) Xây dựng cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn, nâng cao công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng đô thị theo định hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững; (4) Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; (5) Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ứng dụng máy móc, thiết bị thân thiện môi trường, giảm tối đa việc phát sinh chất thải và nâng cao chất lượng sản phẩm; (6) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (7) Bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải khu đô thị, nông thôn và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn theo quy định; (8) Thực hiện tốt công tác sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tích cực trong bảo vệ môi trường; chú trọng khen thưởng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện, nhất là trong nhân dân để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh; phê bình đối với các tổ chức, cá nhân, các địa phương, hộ gia đình thiếu nghiêm túc, còn nhiều hạn chế trong thực hiện; (9) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn.
Tin, ảnh: Mỹ Hương
VPĐPNTM tỉnh