Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là đưa du lịch của tỉnh dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững. Đây cũng là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của tỉnh, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Du lịch sinh thái ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành
Trà Vinh với lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Có hơn 65km bờ biển, có danh thắng Ao Bà Om nổi tiếng trong và ngoài nước; có nhiều cù lao, cồn nổi ven biển; đặc biệt hệ sinh thái: nước ngọt, nước mặn và nước lợ đã tạo cho tỉnh nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào, nhiều đặc sản ngon. Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên, Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn. Hiện Trà Vinh có 10 di tích kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 bảo vật quốc gia, cùng với 142 ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.
Xác định du lịch nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch nông thôn. Từ đó, đã tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực, giúp thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch tỉnh, nhờ đó mà tỉnh đã đầu tư xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Trà Vinh, cụ thể: tỉnh đã thu hút trên 200 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; vốn ngân sách hỗ trợ người dân năm 2019 -2020 gần 01 tỷ đồng để đầu tư du lịch; đầu tư đưa vào khai thác Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, Châu Thành) với mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp; điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô (xã Đức Mỹ, Càng Long) khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái; đưa vào hoạt động giai đoạn 1 dự án Làng văn hóa du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh tại ấp Ba Se A, xã Lương Hòa; thu hút đầu tư mới 06 nhà hàng đặc sản địa phương, 02 khách sạn 02 sao, 03 Homestay phục vụ khách quốc tế; xây dựng Đề án Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh tại Khu Văn hóa du lịch Ao Bà Om và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành với nguồn vốn đầu tư hạ tầng khoảng 8 tỷ đồng; nguồn vốn dự án SME Trà Vinh hỗ trợ để xây dựng chuỗi giá trị du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Trà Cú và huyện Cầu Kè trong đó tập trung hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái; đưa vào khai thác thêm 8 tour du lịch nội tỉnh và liên kết tour giữa Trà Vinh và các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM.
Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú
Nhờ sự tập trung phát triển đúng hướng cho du lịch nông thôn, thời gian qua đã góp phần lớn vào kết quả xây dựng nông thôn mới chung của toàn tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng chuyển biến rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 69/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 81,17%; có 598/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, NTM, chiếm tỷ lệ 93,3%; có 212.810/231.101 hộ đạt chuẩn hộ gia đình văn hóa, NTM, chiếm tỷ lệ 92,09% trên tổng số hộ phát động, tiêu chí bình quân/xã đạt 18,3 tiêu chí; hiện có 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, tỉnh có 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh). Kế hoạch đến cuối năm 2021, tỉnh có thêm huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 3 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú sẽ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022, 2023 và phấn đấu xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.
Để tiếp tục xây dựng phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, tỉnh đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
– Tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng.
– Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố về du lịch trong cả nước. Gắn du lịch Trà Vinh vào chuỗi sản phẩm du lịch cụm phía Đông, phía Tây khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh, xã hội hóa đầu tư đa dạng các dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách tại các địa điểm du lịch.
– Huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch nhất là đối với các loại hình du lịch nông thôn, Homestay,…
– Nâng cao chất lượng tour, tuyến du lịch, xây dựng các tuyến du lịch mới có tính liên vùng.
– Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ cá nhân đầu tư, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm OCOP, các đặc sản vùng miền để phục vụ du khách tham quan./.
Tin, ảnh: Thanh Điền
Thành viên Văn phòng Điều phối NTM tỉnh