Chiều ngày 21/02/2022, tại Hội trường Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nghe UBND tỉnh báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chương trình OCOP năm 2019 – 2021, định hướng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị
Thành phần Hội nghị có ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Bí thư, Chủ tịch các huyện, thị xã và thành phố.
Kết quả qua 03 năm triển khai, tổng số có 80 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận đạt sản phẩm OCOP (trong đó: 05 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 09 sản phẩm đạt 4 sao; 66 sản phẩm 3 sao), thuộc 49 chủ thể, gồm: 8 Hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các Sở, ban ngành đoàn thể tỉnh và các địa phương. Với những kết quả đó, Chương trình đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của tỉnh, xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiệu quả hơn; tỷ trọng các lĩnh vực kinh tế tăng và ổn định; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, minh chứng là ngành nông nghiệp trong những năm gần đây đã thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, kể cả những lúc khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, qua triển khai Chương trình còn một số hạn chế như: Tổ chức thực hiện Chương trình chưa thật sự đồng bộ; người dân chưa nắm, chưa hiểu hết lợi ích của sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm đạt OCOP còn ở mức thấp (80 sản phẩm); việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ,… chưa quyết liệt; công tác xúc tiến thương mại tuy có quan tâm, nhưng rất ít sản phẩm được cung ứng trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị,…
Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025, có thêm ít nhất 100 sản phẩm, tôi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở ngành có liên quan và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
– Tiếp tục quán triệt, triển khai Chương trình theo chủ trương, định hướng phát triển của Trung ương, của Tỉnh ủy; quá trình thực hiện kịp thời điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của từng địa phương, trước mắt là sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
– Nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền, cơ sở và các ngành từ địa phương đến tỉnh trong tổ chức thực hiện Chương trình; Củng cố các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; nâng cao năng lực cán bộ để tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn phương pháp cũng như kỹ năng, cách làm cho các (chủ thể) tham gia chương trình.
– Chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp, các làng nghề, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
– Tiếp tục có cơ chế, chính sách để ưu tiên vốn, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
– Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sản phẩm OCOP theo Chương trình làm việc năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tiến tới Sơ kết 05 năm đánh giá thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh: Phạm Thanh Tiếng
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh