Đến Càng Long vào những ngày giáp tết, có thể cảm nhận rõ những đổi thay về diện mạo phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của từng vùng nông thôn, với phong trào Càng Long cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới đã thật sự tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, với khí thế nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Các công trình hạ tầng nông thôn như điện, đường giao thông từ huyện đến xã, các tuyến đường liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm, đã được nhựa hóa, bê tông hóa rộng và đẹp. Các công trình phúc lợi xã hội như trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa xã, ấp điều được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp. Con em trong huyện phấn khởi đến trường trong những phòng học đầy đủ cơ sở vật chất… đó là sự đổi thay rõ nét của huyện Càng Long sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang đến luồng sinh khí mới cho huyện nhà, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ảnh: Tuyến đường hoa trên địa bàn xã Tân An
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng là ngần ấy thời gian Càng Long bứt phá vươn lên, từng ngày thay đổi, khoác lên mình một diện mạo mới. Càng Long đặc thù là huyện mà kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, nên xuất phát điểm rất thấp; thu nhập người dân khi đó không cao, hạ tầng nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm tỷ lệ 12,5%.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của toàn Đảng, toàn dân đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nôngthôn mới giai đoạn 2010-2020 là trên 999,3 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn 2016-2019 tổng nguồn lực huy động là 540,4 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là trên 130 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là trên 61,6 tỷ đồng, chiếm 11,4% còn lại là các nguồn vốn lòng ghép từ các chương trình, dự án khác.
Đến nay chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Càng Long cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đã đề ra đó là huyện đã có 10/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 76,92% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 50% ), có 93/125 ấp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 74,4% (chỉ tiêu là 60%) và hiện nay còn lại 03 xã gồm: Bình Phú, Huyền Hội và xã Nhị Long cũng điều đạt 14/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Một số điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Càng Long có thể kể đến như:
Hệ thống giao thông nông thôn của huyện đã không ngừng phát triển, đồng bộ từ huyện đến trung tâm các xã trên địa bàn. Đến nay, đến nay 100% xã điều có đường ô tô về đến trung tâm xã và hệ thống giao thông liên xã điều đã được kết nối 100%, tạo điều kiện rất thuận lợi để người dân trao đổi và giao thương hàng hóa.
Điện nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện nay 100% số xã đều được phủ lưới điện quốc gia, hộ sử dụng lưới điện chiếm trên 98%; hệ thống thông tin liên lạc; internet đã đến các địa phương, trung tâm văn hóa xã và nhà văn hóa các ấp không ngừng được nâng cấp mở rộng và xây mới. Hầu hết người dân ở địa bàn nông thôn đều có phương tiện nghe, nhìn và được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông.
Được sự quan của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên thực hiện trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, phát triển đa dạng các loại hình liên kết sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, khai thác đúng lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao được hình thành và nhân rộng như mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, cây lác, lúa chất lượng cao; nuôi cá lóc, cá thác lác cườm, nuôi ếch, nuôi gà theo hình thức quy mô công nghiệp,…
Ảnh: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Càng Long
Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 46 triệu đồng/ người/năm, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010; hộ nghèo giảm dần, cuối năm 2019 số hộ nghèo của huyện hiện chiếm khoảng 1,78%, giảm trên 10% so với năm 2010.
Trên nền tảng những kết quả đạt được, huyện và các địa phương không ngừng khắc phục những khó khăn, tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong năm 2020 đó là đưa 03 xã Huyền Hội, Bình Phú, Nhị Long hoàn thành xã nông thôn mới trong quí II/2020 và hoàn thành huyện nông thôn mới đạt đúng theo yêu cầu của Nghị quyết Huyện ủy đề ra.
Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết, huyện Càng Long sẽ không ngừng ra sức tập trung huy động, lồng ghép đa dạng hoá các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cao nhận thức của người dân. Một khi nhận thức người dân đã đầy đủ, thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ không còn khó nữa, đúng với câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.
Tin, ảnh: Văn Á.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Càng Long.