Long Vĩnh là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của huyện Duyên Hải, cách trung tâm huyện 18 km, có Quốc lộ 53 đi qua nối liền với xã Long Khánh, tiếp giáp với Biển Đông với chiều dài bờ biển 12,5 km. Xã có diện tích tự nhiên là 9.637,20 ha. Dân số của xã có 3.351 hộ với 12.248 nhân khẩu (dân tộc Khmer 993 hộ, 4.601 nhân khẩu, chiếm 29%). Đời sống chủ yếu của người dân bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, một phần tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp…
Ảnh: Đoàn thẩm định họp đánh giá các tiêu chí nông thôn mới nâng cao
Hiện nay đường giao thông nông thôn của xã đã được nhựa hóa đảm bảo đúng kỹ thuật, lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Xã có 4 điểm trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao; công tác giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục đào tạo nâng lên đáng kể… Toàn xã còn 72 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,25 % so với tổng số hộ. Thu nhập bình quân đầu người năm cuối năm 2020 đạt 60,1 triệu đồng/người/năm.
Địa phương tích cực chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: Mô hình tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp; nuôi dê; nuôi vọp; trồng màu…Đảng bộ xã Long Vĩnh đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương…Qua đó, đã vận động chuyển đổi 580 ha từ đất trồng màu kém hiệu quả sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao, nuôi cá… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện xã có Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động rất bền vững, với 70 thành viên chuyên lĩnh vực cung cấp tôm giống các loại, thức ăn cho tôm, các thiết bị, vật tư nuôi. Vốn điều lệ của Hợp tác xã đã đạt 3,36 tỷ đồng, dự kiến trong thời gian tới Hợp tác xã tăng thêm thành viên và mở rộng lĩnh vực sản xuất.
Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo xã phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, trung tâm GDTX và Dạy nghề huyện mở các lớp điện gia dụng, đan dây nhựa trên khung sắt, với 185 học viên tham gia. Bên cạnh, tổ chức các buổi tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên trong độ tuổi lao động, qua đó đã giải quyết cho 6.368 lao động có việc làm mới tại các công ty, doanh nghiệp và 08 người hợp tác đi lao động ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xã tranh thủ các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhân dân có ý thức cao trong đảm bảo vệ sinh môi trường, tự xây dựng hố xí hợp vệ sinh, trồng hàng rào cây xanh. Tham gia các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất tăng thu nhập.
Kinh tế – xã hội phát triển, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao, bộ mặt nông thôn được đổi mới, an ninh trật tự an toàn xã hội được ổn định; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được nâng lên.
Các cấp, các ngành tập trung quyết liệt cho công tác tuyên truyền qua đó nâng cao nhận thức từng cán bộ, Đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên.
Ảnh: Trường Trung học cơ sở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải đạt chuẩn quốc gia.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xã tập trung thực hiện: Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, việc xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chú trọng đổi mới công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, mọi công việc có liên quan đến người dân điều phải đưa ra dân bàn bạc, công khai dân chủ tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, làm cho người dân hiểu và nhận thức đúng về trách nhiệm vai trò trong xây dựng nông thôn mới. Mọi nguồn lực đóng góp phải được công khai dân chủ, tạo lòng tin của người dân đối với các phong trào. Huy động tốt các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực trong dân. Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, có cách làm phù hợp vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng thời gian cụ thể và phải làm thường xuyên./.
Tin, ảnh: Mỹ Hương
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh