» Tin tức và Sự kiện » Các hoạt động trong tỉnh » Một số điểm mới của Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025

Một số điểm mới của Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025

Trà Vinh sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.  Đến ngày 31/12/2022, Trà Vinh đã có 184 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó, 09 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 38 sản phẩm đạt 4 sao; 137 sản phẩm 3 sao), của 118 chủ thể (72 hộ kinh doanh; 20 công ty, 05 doanh nghiệp; 19 hợp tác xã và 02 tổ hợp tác).

Ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh trao giấy chứng nhận cho các chủ thể OCOP

Trong quá trình triển khai, Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020  bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm theo 6 nhóm, một số sản phẩm chưa được đưa vào phân nhóm và có phiếu đánh giá như: tổ yến, các sản phẩm từ tổ yến; tinh dầu, cây cảnh…Một số tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần quan tâm, đề cập gắn với định hướng, tiếp cận của sản phẩm OCOP,…

Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg (thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg) về việc Ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo quyết định mới này đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước, cụ thể:

– Về phân nhóm sản phẩm: Cơ bản giữ 26 bộ sản phẩm như Quyết định số 1048/QĐ-TTg, tuy nhiên, thay đổi các bộ sản phẩm. Cụ thể, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh gồm: hoa, cây cảnh và động vật cảnh.

– Về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP, giữ nguyên cấu trúc của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần (sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm). Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần thành 40-25-35.

– Về nội hàm nội dung của các tiêu chí: đối với sản phẩm tươi sống thì tiêu chí thể hiện là nguồn gốc sản phẩm (thay vì nguyên liệu). Liên kết chuỗi sản xuất được quy định theo khối lượng đầu vào/nguyên liệu đầu vào. Làm rõ yêu cầu về nguồn gốc, ý tưởng sản phẩm theo hướng đặc trưng, nổi trội, bản sắc, trí tuệ địa phương; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn hàng hóa,..

– Về bổ sung một số chỉ tiêu mới, bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số như: sở hữu trí tuệ; tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số…

– Theo quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới, hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu như: phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; phương án sản xuất kinh doanh… Đồng thời, bổ sung “báo cáo tự đánh giá của chủ thể”.

Ngoài ra, việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cũng được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Điều này sẽ giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm cao hơn trong đánh giá sản phẩm.

Tin, Ảnh: Thanh Tiếng.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.