» Tin tức và Sự kiện » Các hoạt động trong tỉnh » Nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức sản xuất thông qua các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh

Nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức sản xuất thông qua các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh

Trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL) ký kết với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh. Trong năm 2022, Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức 04 chuyến học tập kinh nghiệm tại 04 tỉnh (Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu) cho trên 80 lượt đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND xã và cán bộ đầu mối hỗ trợ thực hiện dự án của các xã, cho đại diện các tổ chức sản xuất (Tổ hợp tác, Hợp tác xã) trên địa bàn các xã, huyện vùng dự án.

Qua các chuyến học tập kinh nghiệm, đại biểu tham gia đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành hoạt động của các tổ chức sản xuất, những cách làm hay, những mô hình sản xuất tiên tiến được ứng dụng vào thực tiễn, những chính sách mà tỉnh bạn đã được tiếp cận. Cụ thể:

– Thứ nhất, về phương pháp quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Bào Trâm (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang): HTX này được hình thành từ 04 tổ hợp tác trước đây. Nhận thấy được sự cần thiết phải thành lập HTX nên 04 tổ đã tự nguyện kết nối lại với nhau. Do thấy được thực tế vào HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp mức giá cao và ổn định nên bà con đã làm đơn tự nguyện xin tham gia. Khi mới thành lập vào năm 2017, HTX chỉ có trên 46 thành viên, tuy nhiên đến nay đã có trên 100 thành viên tham gia. Qua đó cho thấy, kỹ năng quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị rất hiệu quả. Song song đó, HTX cần phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, rõ ràng; Ban quản lý, Ban điều hành HTX phải tâm quyết, dám nghĩ dám làm; thành viên HTX phải đồng lòng, hợp tác. Từ đó, việc sản xuất, kinh doanh của HTX đúng hướng, đạt mục tiêu và hiệu quả như mong đợi.

– Thứ hai, kinh nghiệm về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị: cũng như HTX nuôi trồng thủy sản Hai Xáng, HTX nuôi trồng thủy sản Bào Trâm cũng đã thực hiện liên kết bền vững (trên 04 năm) với doanh nghiệp tại Cần Thơ. Sở dĩ, có được sự liên kết bền vững như vậy là do tất cả thành viên HTX đều có nhận thức chung về việc hợp tác, liên kết sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu quan trọng hàng đầu, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại cây con có giá trị kinh tế cao, có thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất. Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực tìm kiếm thông tin thị trường, thông qua các hội chợ, sàn thương mại điện tử, qua phần mềm kết nối cung-cầu của tỉnh để gặp gỡ, trao đổi; đồng thời, tìm kiếm những doanh nghiệp có truyền thống, đủ năng lực tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn để ký kết các hợp đồng liên kết, hợp tác sản xuất. Nhờ vậy, sau 04 năm, mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh theo chuỗi giá trị nhận được sự đồng thuận cao của người dân, thành viên HTX, tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

– Thứ ba, kinh nghiệm về những mô hình sản xuất hiệu quả:

Mô hình lúa – tôm tại HTX Hai Xáng, xã Nam Yên, huyện An Biên: sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; nuôi tôm không sử dụng thức ăn công nghiệp, đặc biệt là dùng đậu nành xay để bổ sung dinh dưỡng cho tôm; kinh nghiệm về mật độ thả giống. Hiệu quả mang lại: trọng lượng tôm bình quân 30-35con/kg; lúa hữu cơ đạt năng suất 7,3 tấn/ha (cao hơn bên ngoài khoảng 400 – 600 kg/ha). Bên cạnh đó, chất lượng con tôm được các doanh nghiệp thu mua đánh giá cao.

Đoàn tham quan của tỉnh Trà Vinh được HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chia sẻ về việc nghiên cứu, chế tạo thành công, ứng dụng thực tiễn dòng điện một chiều trong nuôi tôm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi tôm. Ngoài ra, HTX còn chia sẻ thêm kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý nước không sử dụng hóa chất (sử dụng vi sinh) nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

C:\Users\Administrator\Desktop\z3836375548626_b9757f3fd19e4b0fb77bcbcdb7c7adc5.jpg

Ảnh: Anh Huỳnh Công Lý – Đại diện thành viên đoàn tham quan Trà Vinh thử nghiệm thực tế dòng điện một chiều an toàn trong nuôi tôm

Về ứng dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS)” tại HTX nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hưng, Thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:

C:\Users\Administrator\Desktop\z3836347807225_6560a2f60de9587bdd868d7b1459642c.jpg

Ảnh : Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS)” tại HTX nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hưng, Thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

HTX có 80 thành viên với diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trong ao đất khoảng 100 ha. Tuy nhiên, trong những năm qua thời tiết diễn biến thất thường khiến năng suất, sản lượng tôm nuôi không ổn định, đôi khi còn mắc dịch bệnh và chết hàng loạt. Do đó, Ban Giám đốc HTX đã đi tìm tòi, nghiên cứu các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại miền Tây “Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS)”. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mô hình này giúp giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, đồng thời tăng năng suất, chất lượng tôm thương phẩm.

HTX đã quy hoạch và tận dụng hơn 1ha ven khu nước mặn, lợ, nhiễm phèn để nuôi tôm công nghệ cao. Nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi.

Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng.

Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.

Việc nuôi tôm trong nhà màng cũng giảm nguy cơ dịch bệnh do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết bên ngoài. Tổng số vốn đầu tư để nuôi tôm bằng công nghệ RAS trên diện tích ao 2.000m2 khoảng 5 tỷ đồng.

Trong vụ đầu tiên, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng nuôi thử nghiệm với mật độ trung bình 500 -600 con/m3, gấp 10 lần so với nuôi trong ao đất. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, HTX thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất 23 tấn/2.000m2, doanh thu 3,5 tỷ đồng, HTX thu lãi 500-600 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, tôm cũng phát triển nhanh hơn nên vụ tôm chỉ kéo dài từ 3-3,5 tháng thay vì hơn 4 tháng như trước đây. Do đó, HTX có thể nuôi 3 vụ tôm/năm mà không phụ thuộc vào mùa và thời tiết.

Mô hình nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn nước RAS của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng: Giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất.

Nhìn chung, qua 04 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm đã mang lại những kinh nghiệm quý báo cho tất cả những thành viên tham gia là đại diện lãnh đạo UBND xã và cán bộ đầu mối hỗ trợ thực hiện dự án của các xã, cho đại diện các tổ chức sản xuất (Tổ hợp tác, Hợp tác xã) trên địa bàn các xã, huyện vùng dự án./.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chi cục PTNT Trà Vinh