» Tin tức và Sự kiện » Điểm sáng nông thôn mới » Tiểu Cần: Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Tiểu Cần: Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Qua gần 02 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP), đến nay huyện Tiểu Cần có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Phát huy những kết quả đạt được, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, củng cố các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn huyện để phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế của địa phương đạt tiêu chuẩn theo quy định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ảnh: sản phẩm mật hoa dừa

Với ý nghĩa đó, huyện Tiểu Cần đã bắt tay triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ giữa năm 2019 và đến nay trên địa bàn huyện có 05 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (Mật hoa dừa; Hạt Ca cao mật hoa dừa; Kẹo đậu phộng), 02 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao (Đường hoa dừa; Nước uống mật hoa dừa), đặc biệt sản phẩm Mật Hoa dừa đang đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Hiện nay huyện 05 sản phẩm OCOP (trong đó: có 04 sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm, 01 sản phẩm của hộ kinh doanh Dư Tấn Lợi).

Ảnh: sản phẩm đường hoa dừa – Sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020

 Theo đó, để chuẩn bị cho công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2021 và xây dựng Đề án OCOP giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã – thị trấn tiến hành rà soát các sản phẩm tiềm năng nhằm kịp thời định hướng, hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ông Võ Quang Cường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kết quả rà soát trên địa bàn huyện có 04 sản phẩm (gồm Bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hùng Hòa; Gạo hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp, xã Tân Hùng; Lạp xưởng 6 Be của hộ kinh doanh Phạm Thị Sáu, xã Hiếu Tử và Rượu nếp than của hộ kinh doanh Thạch Thị Minh Phượng, xã Long Thới) được đánh giá là sản phẩm tiềm năng, dự kiến phát triển thành sản phẩm OCOP trong năm 2021. Đến năm 2030, huyện Tiểu Cần sẽ có thêm khoảng 20 sản phẩm định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP.

Ảnh: sản phẩm rượu nếp than

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Võ Quang Cường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Chương trình OCOP là chương trình mới nên việc nắm bắt về ý nghĩa của chương trình của cán bộ cấp cơ sở còn chưa đầy đủ, quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, nhất là khâu tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hiểu và lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình nên kết quả triển khai thực hiện Chương trình OCOP còn chậm, hiệu quả chưa cao. Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tôi nhận thấy Tiểu Cần có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Bánh trung thu, hủ tiếu, lạp xưởng, chả lụa, gạo hữu cơ, bưởi da xanh, các sản phẩm từ dừa,… Tuy nhiên, đa số các sản phẩm được sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chỉ có bao bì thủ công, chưa có nhãn mác, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn”.

Từ kết quả rà soát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất sản phẩm Rượu nếp than của hộ kinh doanh Thạch Thị Minh Phượng, ấp Cầu Tre, xã Long Thới. Tại đây, bà Thạch Thị Minh Phượng chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống sản xuất rượu nếp than, sản phẩm chỉ có bao bì thủ công, thường được đóng chai 1 lít hoặc thùng 5 lít để bán cho các mối quen. Từ khi biết về Chương trình OCOP, tôi đã tự tìm hiểu và nhận thấy để được công nhận là sản phẩm OCOP phải đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn; tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ giúp cho sản phẩm rượu của gia đình được đánh giá đúng theo tiêu chuẩn, giúp cho sản phẩm được nhiều người biết đến và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Mới đây sản phẩm rượu đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu và đang từng bước hoàn thiện sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quy định để mạnh dạn đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống sản xuất Rượu nếp than của gia đình qua nhiều thế hệ”.

Ông Võ Quang Cường còn cho biết thêm, để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2021 Tiểu Cần có thêm từ 2 – 4 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và nâng cấp các sản phẩm OCOP đã đạt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế địa phương; Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước cấp xã; lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn huyện hiểu rõ về Chương trình OCOP; Đồng thời, sẽ tận dụng nguồn kinh phí được phân bổ hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng của huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm cấp huyện và lựa chọn những sản phẩm đủ điều kiện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. 

Có thể nói, thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm, thực hiện lại cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và tăng giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về sản xuất thu nhập hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cũng nhằm góp phần xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025 theo kế hoạch đề ra./.

Bài, ảnh: Kiều Diễm

Đài truyền thanh Tiểu Cần