» Tin tức và Sự kiện » Các hoạt động trong tỉnh » Trà Vinh đột phá trong xây dựng nông thôn mới hướng đến tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025

Trà Vinh đột phá trong xây dựng nông thôn mới hướng đến tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025

Kết quả cả nước, đến hết năm 2020 (kết thúc giai đoạn 2016-2020, tức là giai đoạn 2), Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những kết quả cụ thể như sau: Có 5.141/8.267 xã (62,2%) đạt chuẩn NTM, trong đó, đã có 236 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; Bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã. Từ đầu năm 2018, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 26% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Có 04 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Đối với Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, có 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 85 xã xây dựng NTM). Diện tích tự nhiên là 234.115 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ 79,4%. Dân số toàn tỉnh là 1.034.621 người, trong đó dân tộc Khơme chiếm tỷ lệ 31,55%. Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 1,8%. Thu nhập bình quân đầu người là 43,65 triệu đồng/người/năm.

Ảnh: Người dân thu hoạch tôm càng xanh xã Long Hòa

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, với cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chủ động, tự giác thực hiện của người dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Trà Vinh đã đạt được thành quả lớn với các chỉ tiêu về NTM vượt kế hoạch đề ra. Vì vậy, Trà Vinh đã đưa vào Nghị quyết tỉnh Đảng bộ là xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025.

Bộ mặt nông thôn mới thực sự khởi sắc

Trong giai đoạn 2010 – 2020, Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh tiêu biểu có phương pháp, cách làm, sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM. Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã có 72/85 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 85% số xã, dự kiến cuối năm 2021 đạt 77 xã (trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến nâng lên 21 xã); Bình quân tiêu chí đạt 18,7 tiêu chí/xã; 05 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Tiểu cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh) và 01 huyện (Châu Thành) đang đề nghị Trung ương thẩm định công nhận trong năm 2021; ấp NTM đạt trên 94% (trong đó có 05 ấp NTM kiểu mẫu, gồm: Ấp Giồng Trôm xã Long Toàn; ấp Nhứt xã Tân Hùng; ấp Đại Mông xã Phú Cần; ấp 2 xã Thạnh Phú; ấp Đồng Điền xã Ninh Thới); hộ NTM đạt trên 92%, nhiều tiêu chí có tỷ lệ đạt cao (trên 70-80%), như: thủy lợi, điện, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa,… Có nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt OCOP), kết quả đến nay cuối năm 2020, toàn tỉnh có 56 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm đạt 03 sao, 13 sản phẩm đạt 4 sao (có 01 sản phẩm đạt tiềm năng sản phẩm 5 sao), đối với năm 2021, Hội đồng cấp tỉnh đang đánh giá phân hạn (dự kiến có thêm khoảng 30 sản phẩm được công nhận), nhiều địa phương đang xây dựng xã NTM nâng cao, ấp NTM kiểu mẫu, đường hoa nông thôn, các mô hình bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống…

Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân ở các xã đạt chuẩn NTM đều đạt trên 90%. Đây chính là tiền đề để Trà Vinh phấn đấu xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025.

Ảnh: Nhà văn hóa liên ấp và Trường tiểu học xã Song Lộc

Nâng tầm các tiêu chí NTM

Xác định xây dựng tỉnh NTM là cơ hội tốt thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đặc biệt là các vùng nông thôn; là động lực quan trọng để tạo ra bước đột phá mới trong xây dựng NTM, đều đó đã thể hiện sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.

Ảnh: Đoàn khảo sát NTM Trung ương làm việc tại huyện Châu Thành

Tiếp nối thành công, ngay sau khi tiếp nhận các chủ trương của Trung ương, cụ thể: ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu đi vào chiều sâu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nâng cao. Ngày 11/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25. Mục đích của Kế hoạch là triển khai nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả và đưa Nghị quyết số 25 đi vào cuộc sống, nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời, thống nhất, chất lượng và hiệu quả.

Trên cơ sở đó, cũng như ngay từ khi kết thúc giai đoạn 2016 – 2020, với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/7/2021 về xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh đã Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu phối hợp các Sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1689/QĐ-TTg về triển khai thực hiện Nghị quyết số 25; kiện toàn Ban Chỉ đạo và bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, trong thời gian chờ ngân sách Trung ương nhằm giảm tối đa sự gián đoạn, ngắt quãng Chương trình (do chờ Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho giai đoạn tới). Theo đó, với mục tiêu đến năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu 51% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025. Mục đích là xây dựng Trà Vinh thành tỉnh phát triển toàn diện, nổi bật về kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Trà Vinh đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính cụ thể:

– Hoàn thiện cơ chế, chính sách trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và một số cơ chế riêng đối với tỉnh.

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

– Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình.

– Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.

– Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; Triển khai thật hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

– Hoàn thiện các Quy hoạch vùng huyện của các huyện còn lại; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

– Đẩy mạnh phát triển y tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người.

– Thực hiện tốt công tác Lao động, việc làm, thực hiện các chính sách xã hội và an sinh xã hội.

– Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tóm lại tỉnh Trà Vinh đã xác định xây dựng NTM với mục tiêu lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó tiếp tục kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực, sự tham gia tích cực của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới là: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh; Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống./.

Tin, ảnh: Thanh Tiếng

Văn Phòng ĐPNTM tỉnh