Năm 2022, tỉnh Trà Vinh có 04 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Long Sơn, huyện Cầu Ngang; Ngãi Xuyên, Kim Sơn, huyện Trà Cú; Đôn Châu huyện Duyên Hải và 01 xã (Hàm Giang, huyện Trà Cú) phấn đấu đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, huyện Cầu Ngang đăng ký đạt chuẩn NTM, huyện Duyên Hải phấn đấu đạt chuẩn NTM). Ngoài ra, mỗi huyện, thị xã có ít nhất một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất 19 tiêu chí.
Để đạt mục tiêu trên, Trà Vinh tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ các nhu cầu thiết yếu trên địa bàn các xã gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân như: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc khmer; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX trên địa bàn tỉnh, nhất là các hợp tác xã điểm; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; bảo vệ và cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn
Ảnh: Hội phụ Nữ xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang tham gia trồng tuyến đường hoa
Cùng với việc huy động nguồn lực, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân với những việc làm cụ thể như: Đóng góp sức người, sức của trong xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp…
Trong quá trình thực hiện, tỉnh tăng cường kiểm tra, khảo sát, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đánh giá công tác nâng chất, giữ vững thành tích các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng như tiến độ thực hiện 19 tiêu chí tại những xã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2022. Trong đó, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương chú trọng thực hiện công tác nâng chất tiêu chí, nhất là đối với tiêu chí về tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn… Các cấp, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật mô hình mới, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để phổ biến, nhân rộng; động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân, tổ chức có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, năm 2021, tỉnh có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 75/85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 88,2% và 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 21,2%. Trong năm, tỉnh huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 8.034 tỷ đồng./.
Tin, ảnh: Mỹ Hương
VPĐP NTM tỉnh