Ngày 06/9/2022, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Văn bản số 4014/UBND-NN phê duyệt nội dung Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Theo nội dung Đề cương Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan chỉ đạo xây dựng Đề án, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Đề án, Ban xây dựng Đề án chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng Đề án. Đề án thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Trà Vinh, từ năm 2022 – 2025.
Ảnh: Đường GTNT về huyện Trà Cú
Nội dung Đề cương có 5 phần chính gồm: Phần mở đầu; Phần thứ hai: Đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 – 2021; Phần thứ ba: Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng tỉnh trà vinh hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới trước năm 2025; Phần thứ tư: Tổ chức thực hiện; Phần thứ năm: Kết luận – kiến nghị.
Đề án xây dựng dựa trên quan điểm xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Là cuộc vận động rộng rãi, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, trong đó cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở đóng vai trò lãnh đạo, điều hành. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động. Nông dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng được thụ hưởng; xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản: xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, vừa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025 trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong giai đoạn 2016 – 2021, đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh; xây dựng nông thôn mới là một quá trình phát triển liên tục, các địa phương sau khi đạt chuẩn sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, được triển khai quyết liệt, đồng bộ rộng khắp cả nước với sự tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân; xây dựng nông thôn mới phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh; thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí trên cơ sở kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, phong trào vận động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn,…
Mục tiêu chung của Đề án: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, chú trọng thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM từ tỉnh đến cơ sở được đồng bộ, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM các cấp, trên cơ sở những tiêu chí đã đạt được nhằm tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể của Đề án:
Phấn đấu trước năm 2025 tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 20% huyện nông thôn mới nâng cao, cụ thể:
– Năm 2022: Có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã nông thôn mới nâng cao; 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng tổng số toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; 37 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 43,53%; 8/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 88,88%.
– Năm 2023: Có thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng tổng số toàn tỉnh có 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 100% và có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
– Năm 2024: Có thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Từ văn bản phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban xây dựng Đề án chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp tập trung xây dựng, hoàn chỉnh Đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, dự kiến vào giữa tháng 10/2022./.
Tin ảnh: Huyền Trân