» Tin tức và Sự kiện » Kinh tế và tổ chức sản xuất » Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tại Đồng bằng sông Cửu Long

Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trà Vinh là tỉnh nông nghiệp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên 234.115 ha, chiếm 5,65% diện tích trong khu vực, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chiếm tỉ lệ 79,05% diện tích tự nhiên. Với điều kiện tự nhiên như trên, Trà Vinh có nhiều lợi thế mạnh về phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, có nguồn nguyên liệu nông – thủy sản có sẵn và phong phú; ngành nghề phát triển đa dạng: Nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái, chế biến, bảo quản nông sản, đồ gỗ, tre đan, dệt chiếu, thảm lát, tơ xơ dừa,…Các ngành nghề nông thôn có lịch sử phát triển lâu đời. Bên cạnh đó, Trà Vinh có 13 làng nghề đã tạo ra một lượng sản phẩm lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong thời gian qua.

Bước vào thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, kinh tế nông thôn Trà Vinh vẫn còn nhiều hạn chế: Nhiều tiềm năng lợi thế sẵn có ở địa phương vẫn chưa được khai thác hiệu quả; chất lượng sản phẩm không cao, chủ yếu bán dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; bao bì, nhãn mác chưa được quan tâm, công tác tiêu thụ còn khó khăn, thị trường tiêu thụ còn rất hẹp, thu nhập và đời sống người sản xuất còn thấp,…

Xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa và vai trò to lớn trong phát triển kinh tế nông thôn nên tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động cả hệ thống vào cuộc. Sau 03 năm thực hiện Chương trình, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Các chủ thể tham gia Chương trình đã được nâng lên về nhận thức, năng lực sản xuất, nhất là về quản trị kinh doanh, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường… Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, hệ thống máy móc, trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác đảm bảo hợp quy…

Năm 2018, Tỉnh chỉ đạo chủ yếu hoàn thiện các văn bản pháp lý. Chính thức năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã phân bổ 500 triệu đồng (bình quân 50 triệu đồng/huyện) để triển khai các nội dung cơ bản (Tập huấn, tuyên truyền vận động, xây dựng kế hoạch, chấm điểm phân hạng sản phẩm,..). Đến năm 2020, tiếp tục ưu tiên kinh phí để thực hiện Chương trình, cụ thể là phân bổ tổng cộng 4,5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình (bình quân 500 triệu đồng/huyện, cao hơn nhiều so với năm 2020), thực hiện các nội dung: Tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, chủ cơ sở máy móc, trang thiết bị, xúc tiến thương mại,…

Qua 03 năm triển khai thực hiện, kết quả Trà Vinh đã có 80 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP, trong đó 56 sản phẩm được công nhận, các sản phẩm còn lại đang chờ quyết định công nhận (05 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao, còn lại sản phẩm 3 sao). Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tuy mới triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay nhưng cho thấy đã phát huy được tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi huyện, mỗi xã giúp người nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Qua đó cho thấy, những sản phẩm đạt OCOP, nhất là sản phẩm 4 sao trở lên, được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, tham gia xúc tiến thương mại,.. qua đó số lượng bán ra tăng lên. Từ đó cho thấy Chương trình đã góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Ảnh:  Một số sản phẩm OCOP

Những kết quả trên đang còn khiêm tốn và mới chỉ là bước đầu nhưng đây sẽ là nền tảng quan trọng cho thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới; có được kết quả đó, chúng tôi nhận thấy một số hạn chế và đề xuất cho giai đoạn tới, như sau:

* Những hạn chế:

1. Do đây là Chương trình mới, công tác đào tạo tập huấn chưa thực hiện đến hết các chủ thể tham gia, cán bộ chỉ đạo thực hiện chưa nắm sâu mục đích, ý nghĩa của Chương trình nên chưa quyết liệt, quyết tâm trong thực hiện.

2. Các chủ thể Chương trình (Công ty, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh) chưa nắm được mục đích, ý nghĩa của Chương trình, cách thức tham gia, hiệu quả sau khi tham gia,…nên chủ thể tham gia còn hạn chế.

3. Phần lớn các cơ sở sản xuất trong tỉnh Trà Vinh năng lực tài chính hạn chế, thiếu tay nghề, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ sản xuất, chậm đổi mới, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nâng cao, thiếu tính liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ.

4. Sản phẩm đa phần chất lượng chưa cao và không ổn định, mẫu mã, bao bì đơn điệu chậm cải tiến, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên vật liệu và công lao động, chưa có nhãn hiệu, thương hiệu dẫn đến sức cạnh còn tranh thấp nên Chủ thể ngại tham gia Chương trình.

* Để thực hiện Chương trình OCOP tốt hơn trong giai đoạn tới, Trà Vinh xin chia sẽ kinh nghiệm và đề xuất các nội dung như sau:

Những nội dung quan trọng cần có để thực hiện Chương trình tốt hơn trong thời gian tới:

Một là, phải có bộ máy tổ chức tham mưu thực hiện Chương trình đồng bộ từ tỉnh đến xã; cán bộ chuyên trách, chuyên nghiệp, tâm huyết; thường xuyên quan tâm đào tào, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ để có kiến thức, tư duy kiến tạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho chủ thể tham gia Chương trình.

Hai là, công tác tuyên truyền, tập huấn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trở thành các chiến dịch truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao năng lực, xây dựng nền tảng tư tưởng, tinh thần cho cộng đồng để họ tự tin, sáng tạo và khát vọng vươn lên.

Ba là, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình phải tạo động lực mạnh mẽ, nâng đỡ cho các chủ thể nỗ lực vươn lên và huy động cao, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tỉnh phải ban hành được chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình đồng bộ từ lập phương án sản xuất kinh doanh; mua sắm trang thiết bị tiên tiến, xây dựng tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm; thiết kế, in ấn bộ nhận diện thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực; công tác xúc tiến thương mại… Hàng năm bố trí ngân sách Chương trình thoả đáng để thực hiện chính sách để thực hiện.

Bốn là, việc lựa chọn ý tưởng sản phẩm có tính quyết định, trong đó phải quan tâm đến 2 yếu tố cốt lõi đó là lựa chọn người tham gia phải là người có khát vọng, có khả năng vươn lên; ý tưởng sản phẩm phải có khả thi, sản phẩm có khả năng phát triển. Đồng thời, phải thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất,… Hàng năm, tỉnh tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các cơ sở, đơn vị để giải quyết các vấn đề khó, những rào cản đặc biệt là vấn đề đất đai, mặt bằng, cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho người dân sáng tạo phát triển sản xuất.

Năm là, công tác quản lý chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”. Tỉnh phải ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP, yêu cầu các cơ sở phải xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và niêm yết tại nơi sản xuất để người dân, cộng đồng biết và giám sát. Hàng năm tổ chức kiểm tra, lấy mẫu độc lập, xử lý nghiêm đối với những cơ sở không chấp hành các quy định của Chương trình.

Sáu là, công tác đánh giá phân hạng sản phẩm thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trước khi đánh giá, Hội đồng phải đi kiểm tra thực tế tại cơ sở, phải đảm bảo quy mô, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường,… mới được đưa vào đánh giá, chấm điểm.

Bảy là, công tác xúc tiến thương mại phải được quan tâm cao, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở tích cực tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm. Qui định những doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị,…trên địa bàn phải tiếp nhận và bán tất cả các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh. Tỉnh cần ban hành quy chế quản lý cửa hàng, với bộ nhận diện cửa hàng riêng, yêu cầu về diện tích, số lượng mặt hàng OCOP… và các chế tài xử lý vi phạm để hình thành kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm OCOP, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.

Trà Vinh đề xuất một số nội dung sau:

1. Cần khẳng định vai trò, ý nghĩa của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, là sinh kế để nông thôn phát triển bền vững. Do đó cần phải hỗ trợ, đào tạo và có chính sách đủ mạnh thúc đẩy các chủ thể nhằm tạo nên đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, họ là người liên kết, dẫn dắt nông dân biết sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu của thị trường.

2. Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản, khung pháp lý trong tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo sự thống nhất trong cả nước (nhất là các văn bản qui định về kinh phí). Đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo Chương trình OCOP, nhất là đạo tạo chủ thể OCOP theo hướng tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP.

3. Trung ương cần tăng cường, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn công tác đánh giá phân hạng sản phẩm tại các địa phương đảm bảo thực chất, tránh tính trạng chạy theo thành tích về số lượng sản phẩm đạt chuẩn, để xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu Quốc gia../.

Tin, ảnh: Thanh Tiếng

Chi cục PTNT Trà Vinh