Trà Vinh là tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đặc thù sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên có diện tích nông thôn rộng lớn và đông dân cư, với ba thành phần dân tộc chính Kinh, Khmer, Hoa. Đây là nơi bảo tồn, lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng. Trong đó, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer với những nét độc đáo riêng, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với nhiều tập quán tốt đẹp, góp phần hình thành nên tổng thể chung của văn hóa Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn và phát huy văn hóa nông thôn Trà Vinh nói chung và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng luôn giữ một vị trí quan trọng trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Vài nét về văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer rất phong phú. Trong hệ thống lễ hội của đồng bào Khmer, có nhiều lễ hội đặc sắc nhưng phải kể đến 2 lễ lớn trong năm là Tết Chol Chnam Thmay, là Tết đón năm mới, đây là dịp vui lớn của cộng đồng, thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm. Đây cũng chính là thời điểm thu hoạch mùa màng trong năm, sau một vụ mùa bội thu, người dân vui mừng hớn hở tạ ơn Phật đã phù hộ và tổ chức hàng loạt các hoạt động vui chơi giải trí và cầu mong cho vụ mùa bội thu trong năm tới. Và Lễ hội Ok-Om-Bok, là Lễ cúng trăng. Đây là một trong những hoạt động mang nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào Khmer ở Trà Vinh nói riêng, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết và nét văn hóa đặc sắc của người dân Khmer.
Ảnh: Sinh hoạt lễ hội của người khmer
Văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer là một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công chung trong xây dựng nông thôn mới tại Trà Vinh
Xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững. Như vậy, trong đó giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công chung trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Khi nhắc đến Trà Vinh, không thể không nhắc đến đồng bào dân tộc Khmer với những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Qua bao đời gắn kết keo sơn, dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành nên một màu sắc đặc thù cho văn hóa Trà Vinh. Từ khi triển khai và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến nay, Trà Vinh có 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 72/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 11 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh, đã góp phần đạt tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới.
Với Trà Vinh, giữ gìn tốt văn hóa truyền thống Khmer là điều kiện để hướng tới tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa mới của thời đại trong điều kiện giao lưu và hội nhập hiện nay, góp phần làm phong phú thêm văn hóa tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, với truyền thống văn hóa nông nghiệp lâu đời, đồng bào Khmer Trà Vinh đã góp phần làm đa dạng các sản phẩm nông sản đưa những sản phẩm vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Khơi dậy truyền thống văn hóa đó cho thấy đồng bào Khmer giữ vị trí then chốt và là tiềm lực quyết định một phần đến sự thành bại của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh hiện nay.
Bên cạnh đó, với cách nhìn biện chứng thì hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh là điều kiện bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc Khmer. Bởi, cốt lõi của mục tiêu xây dựng nông thôn mới là chăm lo cho nông dân nông thôn về mọi mặt trong đời sống xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng và cần thiết để những giá trị của văn hóa Khmer tiếp tục phát triển và làm giàu thêm truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung.
Ảnh: Đoàn khảo sát Nông thôn mới Trung ương tham quan sinh hoạt văn hóa của người Khmer
Để làm tốt vai trò là chủ thể góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh hiện nay, việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer trong giữ gìn truyền thống văn hóa là vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp cho họ thêm nhiệt tình cách mạng và có thể vươn lên làm giàu trong cuộc sống. Để làm được điều đó có thể chủ ý một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường sự tập trung chỉ đạo cụ thể thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất, và huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp, các ban ngành hữu quan, có sự phân công, phân cấp, thể chế hóa vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, ngành hữu quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát từ cơ quan chức năng đối với các hoạt động triển khai các nội dung thực thi nông thôn mới.
Hai là, gắn bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc Khmer với phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa phát triển văn hoá và kinh tế; hài hoà giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
Ba là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng người Khmer về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer không chỉ làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn là vũ khí sắc bén đánh tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Bốn là, đào tạo nhân lực nòng cốt đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc Khmer. Theo đó, cần đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để họ nhận thức và tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình, thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng…
Có thể khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt đối với Trà Vinh một tỉnh thuần về nông nghiệp và có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm từng bước hiện đại hóa nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân nông thôn Trà Vinh nói chung và người dân Khmer nói riêng, để đạt được mục tiêu đó, việc gìn giữ truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết./.
Tin, ảnh: Như Diễm
Trường Chính trị Trà Vinh